Nếu trước đây, cả nước trồng khoảng 300.000 ha mía nhưng niên vụ 2020-2021 theo tổng hợp từ các địa phương có nhà máy đường diện tích chỉ còn gần 153.000 ha, giảm 16,27% so niên vụ trước.
Sản lượng mía chế biến thấp kỷ lục
Niên vụ mía 2020-2021, lĩnh vực mía đường ở tỉnh Tuyên Quang gặp rất nhiều khó khăn vì sản phẩm đường không tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, do giá mía thấp và doanh nghiệp chậm thanh toán đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ trồng mía, nhiều gia đình bỏ mía để chuyển sang cây trồng khác. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, niên vụ mía 2020-2021, trên địa bàn có khoảng 2.900 ha mía nguyên liệu nhưng đến niên vụ 2021-2022, diện tích xuống còn 2.296 ha, giảm 609 ha.
Ông Phạm Văn Sáng, trưởng thôn Tân Tiến, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn cho biết: “Từ lâu cây mía là một trong những cây trồng chủ lực của người dân trong thôn. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, giá thu mua mía nguyên liệu giảm hoặc không ổn định, nhiều hộ dân trong thôn đã bỏ mía trồng ngô, sắn và cây ăn quả. Trước đây, toàn thôn có 26 ha trồng mía, đến niên vụ năm nay chỉ còn 11 ha”.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có ba nhà máy mía đường với tổng công suất ép 13.300 tấn mía/ngày. Để phục vụ cho các nhà máy đường hoạt động ổn định, tỉnh đã quy hoạch 278.400 ha trồng mía nguyên liệu. Tuy nhiên, diện tích trồng thực tế thấp hơn nhiều so quy hoạch. Chẳng hạn như vụ ép 2021-2022, diện tích mía của Nhà máy đường NASU (Công ty TNHH Mía đường Nghệ An-NASU) chỉ còn 10.430 ha, bằng nửa diện tích ở thời điểm cao nhất (vụ ép 2013-2014 là 20.483 ha). Tương tự, Nhà máy mía đường Sông Con chỉ còn 3.500 ha/9.200 ha quy hoạch… Nguyên nhân giảm diện tích là do đường nhập lậu gia tăng, giá đường trong nước giảm, buộc các doanh nghiệp phải giảm giá thu mua mía nguyên liệu. Do giá mía thấp nên một số nơi có tình trạng người dân bỏ mía chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có múi: cam, chanh, bưởi... hay trồng cây lâm nghiệp…
Theo báo cáo của các nhà máy đường, niên vụ mía 2020-2021, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến chỉ đạt hơn 6,7 triệu tấn. Đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 vụ gần đây. Ngoài ra, số lượng nhà máy đường hoạt động còn 24 nhà máy trong niên vụ 2020-2021. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, nguyên nhân là do một số vùng trồng mía bị ảnh hưởng bởi hạn hán, bão, lụt khiến diện tích, năng suất và chất lượng mía giảm. Bên cạnh đó, giá đường các vụ trước đó xuống thấp do tác động của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nước ngoài, đường nhập lậu vào Việt Nam.
Ngày 9/2/2021, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Sau khi có quyết định, các nhà máy đường đã nâng giá mua mía từ mức 800.000 đến 850.000 đồng/tấn lên mức từ 900.000 đến 1,1 triệu đồng/tấn tùy theo vùng, nhằm khuyến khích nông dân duy trì, mở rộng diện tích. Tuy nhiên, do đây là quyết định áp thuế tạm thời và thời điểm ban hành vào giai đoạn cuối vụ cộng với việc thiếu hom giống, quỹ đất nên không thể trồng để tăng diện tích niên vụ 2021-2022. Do diện tích giảm nhưng vào vụ chế biến, giá đường, giá mía tăng, xảy ra tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường, trong đó gay gắt nhất là ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, dẫn tới nảy sinh nhiều tiêu cực, gián tiếp phá vỡ mối liên kết giữa các nhà máy đường với nông dân.
Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết
Trước thực trạng này, ngày 15/6/2021 Bộ Công thương có Quyết định số 1578/QĐ-BCT về áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan với thời hạn 5 năm. Quyết định này đã mở ra thời kỳ mới, tạo điều kiện cho ngành mía đường Việt Nam có điều kiện cạnh tranh sòng phẳng và minh bạch với các nước trong khu vực. Đặc biệt, sau khi có quyết định áp thuế, giá đường trong nước đã tăng lên, giúp sản phẩm đường trong nước tiêu thụ tốt hơn.
Qua thống kê của các nhà máy đường, niên vụ mía 2021-2022 diện tích mía thu hoạch hơn 148.000 ha, sản lượng mía đưa vào chế biến khoảng 8,5 triệu tấn, sản lượng đường hơn 873.000 tấn. Để ngành mía đường Việt Nam không để mất lợi thế “sân nhà” về lâu dài, các nhà máy đường cần đầu tư các dây chuyền, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất; đa dạng hóa các sản phẩm sau đường; ổn định giá mua mía bảo đảm người nông dân có thu nhập ổn định để yên tâm sản xuất, phục hồi vùng nguyên liệu.
Giá mía cũng cần xây dựng bảo đảm cho người nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng khác ở địa phương. Cùng với đó cần đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất. Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương việc liên kết giữa nhà máy đường và nông dân đã giảm bớt gánh nặng đầu tư cho nông dân và tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nông dân trồng mía. Nhất là các khu vực vùng sâu, xa, miền núi và khu vực biên giới, các hình thức liên kết sản xuất đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân, tạo việc làm cho một số lượng lớn lao động nông thôn.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mía đường Nghệ An-NASU Ngô Văn Tú cho biết: “Thời gian qua, việc liên kết sản xuất mía của công ty đã phát huy hiệu quả tốt. Thông qua việc hỗ trợ không lãi suất, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mua máy cày, máy thu hoạch mía, lắp hệ thống tưới cho mía... đã kích cầu, tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ dân ở các vùng miền núi trên địa bàn đầu tư vào vùng mía nguyên liệu.
Hiện, công ty có 14.891 gia đình ở các huyện: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành... liên kết trồng mía nguyên liệu thông qua 431 hợp đồng”. Anh Trần Ngọc Châu ở xóm Lê Lợi, xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn trồng gần 40 ha mía nguyên liệu cho công ty chia sẻ: “Nếu không có sự hỗ trợ ban đầu và ký kết bao tiêu sản phẩm đầu ra của NASU thì chúng tôi không dám mạnh dạn đầu tư như hiện nay. Niên vụ mía 2021-2022, gia đình tôi tiếp tục thuê thêm 30 ha đất để trồng mía nguyên liệu cho NASU”.
Theo ông Ngô Văn Tú, để cạnh tranh với sản phẩm đường trong khu vực, công ty đã xây dựng đề án khôi phục diện tích mía giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư thiết bị máy móc hiện đại nhằm thu hồi triệt để đường và mật rỉ trong sản xuất; công ty đã xây dựng hệ thống phát điện từ bã mía và bán điện cho điện lưới quốc gia trong thời gian nhà máy hoạt động. Doanh thu từ bán điện đã mang lại cho công ty từ 80 đến 100 triệu đồng/ngày.
Đây là nguồn thu bù đắp chi phí cho giá mua mía có lợi cho nông dân, giúp họ yên tâm trồng mía. Mặt khác, công ty cũng sử dụng mật rỉ và bã mía tươi để phối trộn thức ăn cho bò sữa; sử dụng bã bùn và tro lò phối hợp chất thải trang trại bò sữa để sản xuất phân bón hữu cơ…
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Những niên vụ trước, công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính do thị trường mía đường khó tiêu thụ, lượng đường sản xuất ra tồn kho nhiều, giá đường thấp do không cạnh tranh được với đường nước ngoài. Do đó, công ty còn nợ tiền thu mua mía nguyên liệu của người dân, dẫn đến việc người dân “bỏ mía”.
Để khắc phục tình trạng này, công ty đang vận động nhân dân khôi phục và mở rộng diện tích vùng nguyên liệu. Niên vụ 2021-2022, thị trường đường đang có dấu hiệu phục hồi, công ty đã tăng giá thu mua mía nguyên liệu từ 900 đến 950 đồng/kg, hỗ trợ người dân thêm 30.000 đồng/tấn và thực hiện thanh toán cho người dân trong thời gian từ 5 đến 10 ngày. Bên cạnh đó, Công ty cũng hỗ trợ cho người trồng mới, trồng lại mía nguyên liệu 2 triệu đồng/ha, hỗ trợ chuyển đổi đất đang trồng cây hằng năm và đất trồng cây lâu năm sang trồng mía mức từ 2 đến 3 triệu đồng/ha.