Nạn mua ghế trong quốc hội Trung Quốc
Các doanh nhân tỉnh Liêu Ninh sẵn sàng chi từ hàng trăm đến hàng triệu nhân dân tệ để chen chân vào quốc hội Trung Quốc.
|
|
Trung Quốc tháng trước phanh phui bê bối gian lận bầu cử lớn nhất tại nước này, 45 trong 102 đại biểu quốc hội của tỉnh Liêu Ninh và 454 trong 612 thành viên của hội đồng nhân dân tỉnh này bị bãi nhiệm vì đã dùng tiền để mua ghế.
Vụ bê bối làm dấy lên lo ngại rằng những giao dịch ngầm có thể xảy ra ở những nơi khác trên khắp Trung Quốc, khi các cơ quan lập pháp địa phương chuẩn bị bầu cử vào đầu năm tới.
Theo SCMP, những người muốn có chân trong cơ quan lập pháp thường dùng tiền để mua chuộc cử tri hoặc chi hàng chục triệu NDT cho người môi giới.
"Mong muốn giành ghế trong cơ quan lập pháp, một số người có thể tổ chức tiệc chiêu đãi và tặng cho các cử tri phong bao đỏ chứa tiền mặt từ 500 - 5.000 NDT (75 – 750 USD)", một quan chức cấp trung tại Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh, nói. "Những người khác có thể biếu xén rất nhiều tiền, dao động đến hàng chục triệu NDT cho người môi giới, thường là những quan to như người đứng đầu cơ quan lập pháp khu vực, để chờ đợi "tin tốt".
Một quan chức giấu tên nắm rõ bê bối gian lận bầu cử ở Liêu Ninh, cho biết những người môi giới thường sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền nếu "khách hàng" không mua được ghế. Tuy nhiên, một nhà báo kỳ cựu ở Liêu Ninh cho biết một doanh nhân đã cay đắng phàn nàn vì không được hoàn tiền sau thất bại tranh cử năm 2013.
Các nguồn tin cho biết nạn tham nhũng đã trở nên quá phổ biến khiến các nhà lập pháp khó có thể từ chối tiền hối lộ. Quan chức giấu tên nói rằng một trong số 454 đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh bị bãi nhiệm là một cô gái nhận hơn 100.000 NDT (15.000 USD) từ rất nhiều phong bao đỏ được dúi vào tay trong các bữa tiệc chiêu đãi trước cuộc bầu cử năm 2013. Tuy nhiên, chiếc ghế mà cô ấy có được là kết quả từ nỗ lực của bản thân, chứ không phải đi hối lộ người khác.
Ông cho biết nạn hối lộ trước các cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp đã trở thành "chuyện thường tình" ở Liêu Ninh.
"Nếu từ chối nhận quà, như phong bao đỏ hoặc trà hay vật có giá trị khác, thì anh trở thành người phá vỡ quy tắc ngầm, vì những người khác đều nhận cả", ông nói.
Ngoài ra, một số ứng viên "đành" phải hối lộ để cạnh tranh với rất nhiều đối thủ đã làm vậy.
Một cựu đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh cho biết việc trả tiền để mua ghế từ lâu đã phổ biến trong các cuộc bầu cử địa phương. "Người ta phải 'qua nhiều cửa ải' trước khi ngồi được xuống chiếc ghế trong cơ quan lập pháp", ông nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn